Để trồng và chăm sóc hoa cẩm chướng thật đẹp, bạn chú ý một số điều sau:
I. Yêu cầu về điều kiện ngoại cảnh
– Đất trồng: Cẩm chướng ưa đất thịt nhẹ, tơi xốp, nhiều mùn, giàu dinh dưỡng, đất thoát khí, giữ ẩm tốt nhưng không ứ nước. pH thích hợp từ 6-7, độ ẩm 60-70%.
– Nhiệt độ: Nhiệt độ thích hợp cho hoa cẩm chướng sinh trưởng và phát triển tốt là 180C – 250C. Nếu nhiệt độ vượt qua ngưỡng thích hợp này, cây sẽ sinh trưởng và phát triển kém, cho hoa với chất lượng kém, màu sắc không tươi, tuổi thọ trung bình giảm…
– Ánh sáng: Ánh sáng thích hợp 1500-11000 lux, tối thích 2000-2500 lux. Trong quá trình phân hoá mầm hoa, nếu cường độ ánh sáng cao > 11000 lux, cây sẽ hoa sớm; nếu cường độ ánh sáng thấp < 1000 lux quá trình ra nụ, nở hoa muộn.
– Độ ẩm: Độ ẩm thích hợp 60-70 % , tối thích 70 %. Độ ẩm tương đối của không khí và đất ảnh hưởng trực tiếp đến sự quang hợp và hô hấp của cây cẩm chướng. Nếu độ ẩm được ổn định sẽ tạo điều kiện cho cây hút dinh dưỡng và muối khoáng thuận lợi, cây sinh trưởng tốt, năng suất và phẩm chất hoa cao.
– Dinh dưỡng: Nếu thiếu dinh dưỡng cây sẽ còi cọc, hoa nhỏ và sâu bệnh hại dễ xâm nhập và phát triển. Nếu bón phân không cân đối, thừa dinh dưỡng đạm, cây phát triển vóng cao, dễ bị lốp đổ và khả năng chống chịu kém. + Đạm: Có tác dụng thúc đẩy quá trình sinh trưởng và phát triển của cây, tham gia vào cấu tạo diệp lục. Thiếu đạm cây sinh trưởng kém, cho hoa nhỏ, nhanh tàn, lá vàng úa. nếu thiếu trầm trọng cây sẽ ngừng sinh trưởng và chết. Tuy nhiên, thừa đạm cây sẽ mọc um tùm, lá nhiều và yếu ớt dễ phát sinh bệnh. Hoa cũng yếu dễ bị gục ngã và nhanh tàn.
+ Lân: Giúp cho bộ rễ cây phát triển khoẻ mạnh là tiền đề cho quá trình sinh trưởng và phát triển của cây sau này. Lân giúp cho hoa bền, đẹp. Thiếu lân lá thường có màu tím, màu tím từ mép lá lan dần vào bên trong. Hoa nhỏ, chóng tàn, màu sắc nhợt nhạt. Trong quá trình sinh trưởng của cây, cây cần lân nhiều vào giai đoạn sinh trưởng sinh thực tức là khi ra hoa kết qủa. Vì vậy, cần phải hiểu nhu cầu của cây để cung cấp lân vào các giai đoạn hợp lý.
+ Kali: Giúp cho cây cứng cáp, chống chịu tốt với điều kiện bất lợi của môi trường và sâu bệnh hại. Cây cần kali nhiều vào lúc ra hoa, giúp cành hoa cứng cáp, màu sắc hoa tươi, bền lâu. Nếu thiếu kali thì đầu chóp lá già, bắt đầu vàng và chết khô, sau đó là phần thịt lá.
+ Canxi: Giúp cho cây chống chịu tốt với điều kiện bất lợi. Thiếu canxi trên lá non xuất hiện những đốm màu xanh nhạt, nghiêm trọng hơn là bị chết khô.
* Các nguyên tố vi lượng: Cây cần loại phân này với số lượng nhỏ nhưng không thể thiếu được và cũng không thể thay thế được. Thông thường cây ít thiếu vi lượng, tuy nhiên những lúc thời tiết lạnh đột ngột kéo dài thường sẽ xảy ra thiếu vi lượng. Khắc phục bằng cách phun bổ sung phân vi lượng qua lá, hoặc pha loãng tưới vào gốc cho đến khi thấy cây trở laị bình thường không nên bổ sung nữa.
II. Kỹ thuật trồng và chăm sóc
1. Chuẩn bị đất
– Đất trồng cẩm chướng phải tơi xốp, có độ thoáng cao, thoát nước, nhiều mùn. Không trồng 2 vụ cẩm chướng liên tục, phải luân canh 2-3 năm.
– Đất được cày sâu 40-50m, tơi nhỏ, khử tuyến trùng bằng ethoprophos 10% (20-30 kg Mocap hạt/ ha), khử vi khuẩn bằng calcium hypochlorite (30kg/ha).
– Lên luống cao, bề rộng luống 1,2m, bề mặt luống bằng phẳng, tưới ẩm trước khi trồng cây.
2. Cây giống và trồng cây
– Cây giống khi trồng cần có các tiêu chuẩn không thấp hơn các tiêu chuẩn quy định tại quyết định số 07/2010/QĐ-UBND ngày 10/02/2010 của UBND tỉnh Lâm Đồng vv quy định tiêu chuẩn cây giống xuất vườn ươm của một số loại rau, hoa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Cụ thể: Độ tuổi cây trong vườn 25-35 ngày, chiều cao cây: 3,5-7cm; đường kính cổ rễ: 1,5-2mm; có 6-8 lá thật. Cây phải khỏe mạnh, không dị hình, ngọn phát triển tốt, không có biểu hiện nhiễm sâu bệnh hại.
– Cây được trồng với mật độ 200.000 – 220.000 cây/ha;
3. Tưới nước
– Cây mới trồng trong 10 ngày đầu cần tưới nước 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều mát để duy trì độ ẩm cho cây giúp cây bén rễ nhanh.
– Cây trồng sau 10 ngày, tưới nước tuỳ theo mùa trong năm, mùa nắng cần tưới 2-3 ngày/1lần, mùa mưa 4-5 ngày/1lần tùy theo nhu cầu của cây. Tưới nước vào buổi sáng để tránh ướt lá vào chiều tối, hạn chế sự phát triển của nấm bệnh. Sau khi cây đã bén rễ, nên tưới bằng hệ thống tưới nhỏ giọt là tốt nhất. Trong những ngày nắng nóng, kết hợp tưới phun lên lá để làm mát cây.
Nước tưới phải đảm bảo sạch, phải được cách ly với nguồn rác thải và phải được xử lý trước khi dùng;
4. Phân bón và cách pháp bón
Lượng phân cần bón: tính cho 1ha
– Phân chuồng: 100 – 120 m3
– Vôi: 1000-1500 kg;
– Phân vi sinh: 300 kg;
– Magiê sulphat: 80-100kg
– Phân hoá học theo hàm lượng nguyên chất: 300 N – 200 P2O5- 250 K2O
Cách bón phân
Có thể sử dụng phân đơn hoặc phân phức hợp quy đổi tương đương theo hàm lượng nguyên chất như trên
* Nếu sử dụng phân đơn: cần 652 kg urê, 1375 kg super lân, 417 kg kali đỏ
– Bón lót: Toàn bộ phân chuồng, vôi, phân vi sinh và magiê sulphat, lân super 500 kg;
– Bón thúc: Bón theo định kỳ 20 ngày/lần: 36,2kg urê + 48,6 kg super lân + 23,2 kg kali đỏ.
* Nếu sử dụng phân NPK 20-20-15: Cần 1000 kg NPK, 217 kg urê, 83 kg kali đỏ.
– Bón lót: toàn bộ phân chuồng, vôi, phân vi sinh và magiê sulphat, NPK 300 kg;
– Bón thúc : Bón theo định kỳ 20 ngày/lần: 39 kg NPK+ 12 kg Ure + 4,6 kg kali đỏ.
– Cây hoa cẩm chướng cho thu hoạch kéo dài, cần bổ sung thêm vôi để cân bằng độ pH trong đất.
– Bổ sung thêm phân bón lá và vi lượng bằng cách phun Atonik, Miracle, Ba lá xanh, Tinh phân cá… theo định kỳ 15-20 ngày một lần (phun lúc chiều mát và tưới rửa lá vào sáng sớm hôm sau để hạn chế sự phát triển của nấm bệnh, tránh phun lên hoa).
5. Giăng lưới
Cành hoa cẩm chướng khá cao và mầm yếu nên cần có lưới đỡ để tránh cây đổ ngã khi chăm sóc và thu hoạch. Dùng lưới bằng dây cước, dây dù hoặc dây kẽm với kích thước lỗ 20cm x 20cm giăng để nâng đỡ cây.
Khi cây cao khoảng 20cm, tiến hành giăng lưới tầng đầu. Có thể dùng lưới bằng dây dù, cước, tuy nhiên đan lưới bằng kẽm cho hiệu quả cao nhất. Khi cây cao 30-40 cm, tiến hành giăng lưới ở tầng thứ 2 để giữ cho cành hoa không bị đổ ngã.
6. Bấm ngọn, tỉa chồi nách và nụ
– Bấm ngọn: Khi cây cao khoảng 20cm, các nhánh bên đã phát triển, cần bấm bỏ ngọn đầu để các nhánh bên phát triển đồng đều, thu hoạch hoa hàng loạt.
– Tỉa bỏ chồi nách: Trên cây cẩm chướng phát triển rất nhiều chồi nách. Nếu để nguyên sẽ tiêu hao dinh dưỡng và dễ sinh sâu bệnh hại, cần thường xuyên tỉa bỏ chồi nách để cành hoa to khỏe. Tỉa bỏ cẩn thận để tránh tổn thương đến cây. Sau khi tỉa nhánh, phun thuốc phòng trừ nấm bệnh ngay.
– Tỉa nụ: đối với hoa đơn tỉa bỏ các nụ bên để nụ chính to khỏe. Đối với hoa kép, tỉa bỏ nụ chính để các hoa còn lại phát triển đồng đều. Tiến hành tỉa khi nụ chính to bằng hạt bắp. Tỉa nhẹ nhàng để không làm ảnh hưởng đến các nụ còn lại.
III. Thu hoạch
– Thời điểm thu hoạch thích hợp nhất đối với hoa cẩm chướng là lúc hoa hé nở 10-15%, thu hoạch vào sáng sớm (không quá 10 giờ sáng) hoặc chiều mát (từ 3 giờ chiều). Trong những ngày trời mát có thể thu hoạch hoa cúc bất kỳ thời điểm nào trong ngày.
– Cắm hoa vào xô nước hoặc xô dung dịch xử lý ức chế sinh ethylene ngay sau cắt hoa khỏi cây và vận chuyển về nơi lưu giữ hoa (nhà mát).
Chúc bạn có những bông hoa cẩm chướng thật đẹp nhé!